Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia gây phẫn nộ vì vô ơn với đất nước: “Hãy bao dung cho em sửa sai”

Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia gây phẫn nộ vì vô ơn với đất nước: “Chúng ta hãy bao dung và tạo cơ hội cho em sửa sai”

Ngày 2/9, Sở GDĐT tỉnh Yên Bái đã có Công văn số 317/BC-GDĐT về thông tin học sinh C.N.Q.V, lớp 12 Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) viết bài có nội dung chưa phù hợp trên mạng xã hội, gây phẫn nộ vì có thái độ vô ơn với đất nước.

Sở GDĐT tỉnh Yên Bái sau đó đã làm việc với Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, yêu cầu nhà trường kịp thời định hướng phát ngôn cho giáo viên, học sinh đảm bảo đúng quy định; phân công lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, phối hợp chặt chẽ với gia đình, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm tình hình và diễn biến tư tưởng, tâm lý của học sinh Vinh; chủ động phối hợp với lực lượng Công an và các đơn vị liên quan kịp thời tham mưu xử lý sự việc đảm bảo đúng quy định và sớm ổn định tình hình.

Sau khi được giáo dục, học sinh C.N.Q.V đã nhận thức được nội dung bài viết của bản thân trên mạng xã hội ngày 1/9 là chưa phù hợp nên đã chủ động gỡ bài viết và đăng bài xin lỗi trên trang Facebook cá nhân.

Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia gây phẫn nộ vì vô ơn với đất nước: "Hãy bao dung cho em sửa sai"- Ảnh 1.

Nam sinh C.N.Q.V làm việc với cơ quan chức năng. Ảnh: Bạn đọc

Trước đó, vào tháng 11/2023, C.N.Q.V, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã khiến cả tỉnh Yên Bái ăn mừng khi là người giành chiến thắng ở cuộc thi tháng 1, quý I, Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24. Đây cũng là thí sinh Yên Bái đầu tiên trong vòng 23 năm đã giành được vòng nguyệt quế trong vòng thi tháng tại Đường lên đỉnh Olympia.

Trước vụ việc của nam sinh C.N.Q.N, Thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên Văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM cho hay: “Những lời nói của nam sinh này rất đáng chê trách bởi lẽ, Tổ quốc, dân tộc, quê hương là thiêng liêng, không ai được quyền chối bỏ nếu muốn làm người chân chính, sống có đạo lý.

Cần biết rằng, vào thời điểm tháng 9/1946, Trần Đại Nghĩa từ bỏ mức lương của kỹ sư trưởng là 5.500 franc/tháng (khoảng 22 lượng vàng) để về Việt Nam cùng Bác Hồ tham gia kháng chiến chống Pháp. Vậy nên, em nam sinh hãy biết tự trọng, khiêm tốn vì bản thân cũng chưa chắc đã làm gì được cho mình, hãy khoan nói những chuyện to tát.

Tuy vậy, em đã có lời xin lỗi trên mạng xã hội thì chúng ta hãy bao dung và tạo cơ hội cho em sửa sai. Tôi nghĩ, nếu biết ăn năn hối cải, em sẽ sống có ích và làm được nhiều điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội”.

Nam sinh Đường lên đỉnh Olympia gây phẫn nộ vì vô ơn với đất nước: "Hãy bao dung cho em sửa sai"- Ảnh 2.

Nam sinh từng thi Olympia gây phẫn nộ vì vô ơn với đất nước. Ảnh: CMH

Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, TP Vinh, Nghệ An cho biết: “Đây là một sự việc đáng tiếc, không nên xảy ra vào đúng ngày Quốc khánh. Có 2 vấn đề cần phải làm rõ: Thứ nhất là trách nhiệm, vai trò của bố mẹ ở đâu, thầy cô thế nào để nam sinh đăng bài viết như vậy và thứ hai là em thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia để làm gì? Là để đóng góp tài năng cho bản thân, gia đình, đất nước, xã hội hay mục tiêu là xuất ngoại và quay lại chê quê hương. Sơ suất trong cuộc sống là điều dễ thông cảm nhưng nhận thức lệch chuẩn thì cần cảnh báo. Đừng để điều bất thường trở thành bình thường.

Đây cũng là bài học cho thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường: Dù đi học hay ở phương trời nào cũng cần nhớ về nguồn cội của mình. Cần nhìn nhận thấu đáo khi lựa chọn cho mình con đường và lý do chọn con đường đó, đồng thời là thái độ, trách nhiệm với bản thân, gia đình, quê hương, đất nước. Chúng ta không chọn nơi mình sinh ra nhưng được chọn cách mình để sống và con đường mình để đi.

Có một câu nói rất hay: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Tôi mong rằng, câu chuyện sẽ không xảy ra nữa, đặc biệt là với học sinh trường chuyên, các bạn học giỏi và lại thi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Bạn nam sinh này đã xin lỗi, chúng ta sẽ chờ thời gian để bạn ấy trả lời bằng hành động, động thái cụ thể với bản thân, người con với gia đình, học trò với nhà trường, công dân với quê hương, Tổ quốc”.

Cô Hồ Thị Xuân Thu, Trưởng nhóm Sử – Địa – Giáo dục Công dân, Trường TH, THCS, THPT Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nêu quan điểm: “Học sinh như tờ giấy trắng. Vì vậy, với cách hành văn này, tôi nghĩ trong quá trình phát triển, các yếu tố bản thân, gia đình, trường học, xã hội đã tác động mạnh đến em ấy.

Có thể, em đang gặp khó khăn về tâm lý lứa tuổi: Tư tưởng, nhận thức và tâm lý chưa được ổn, có thể do nhiều yếu tố tác động; Xu thế hướng xuất ngoại đang ảnh hưởng đến lớp trẻ; Cần có thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về gia đình, bản thân, về sức khỏe – đặc biệt là sức khỏe tâm thần, môi trường học tập, bạn bè xung quanh, mạng xã hội…

Qua việc này cũng cho thấy, việc dạy Lịch sử rất quan trọng vì Lịch sử là sự tích hợp của tất cả những thứ hữu hình và vô hình mà con người có thể đã đang và sẽ biết. Thông qua nhiều hình thức truyền tải lịch sử để giáo dục nhận thức, tư tưởng, tình cảm, lòng nhân, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc… nhận thức đúng đắn của mỗi người về hiện thực lịch sử là điều rất quan trọng.

Với học sinh này, cần có sự vào cuộc và phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể, các hoạt động tập thể… để em ổn định được tinh thần và dần dần thay đổi tích cực”.

Cô Thu cũng chia sẻ thêm: “Tôi luôn lo lắng mỗi khi thấy học sinh suy nghĩ chưa tích cực. Hy vọng qua đây, mỗi gia đình, mỗi thầy cô, mỗi thành viên trong xã hội luôn gần gũi với con trẻ, để các em có thể tin tưởng mình, tâm sự với mình. Có vậy chúng ta mới biết các em nghĩ gì, muốn gì, rồi mới có phương pháp để cùng giải quyết sự việc một cách tích cực”.


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *